Tại hai buổi biểu diễn gần đây của Taylor Swift tại Seattle, Mỹ, khán giả đã tạo nên các sự kiện địa chấn kéo dài hàng giờ.

Taylor Swift, ca sĩ và nhạc sĩ 33 tuổi, đang biểu diễn khắp nước Mỹ trong chuyến lưu diễn “Eras” cháy vé của mình.

Tại Seattle, cô trình diễn trong hai tối 22 và 23/7 ở Lumen Field, sân vận động của đội bóng bầu dục Seattle Seahawks. Và sự phấn khích của khán giả đã khiến cho mặt đất rung chuyển - sự rung chuyển này thậm chí đã được ghi nhận qua một máy đo địa chấn.

Đây không phải là lần đầu một sự kiện tại Lumen Field tạo ra chấn động địa chất. Vào tháng 1/2011, những người hâm mộ cổ vũ đội bóng Seahawks đấu với đội New Orleans Saints đã phát cuồng khi trung vệ Marshawn Lynch của Seattle ghi bàn vào khoảnh khắc quan trọng trong trận đấu loại trực tiếp của NFL. Vì Lynch có biệt hiệu là “Beast Mode”, cho nên sự kiện địa chấn xảy ra sau bàn thắng được biết đến với cái tên “Beast Quake” (Chấn động Quái thú).

Taylor Swift biểu diễn tại Lumen Field ở Seattle vào ngày 22 và 23/7. Ảnh: Mat Hayward
Taylor Swift biểu diễn tại Lumen Field ở Seattle vào ngày 22 và 23/7. Ảnh: Mat Hayward

Sau hai buổi biểu diễn của Taylor Swift tại sân vận động, một số người hâm mộ nhớ tới sự kiện Chấn động Quái thú trước đó và tò mò không biết họ có gây ra vụ việc tương tự không. Ai đó đã đăng câu hỏi này lên một tài khoản Facebook về động đất tại vùng Tây Bắc Thái Bình Dương do Jackie Caplan-Auerbach, nhà địa chất tại Đại học Western Washington, quản lý.

Nhà địa chất này đã quyết định tìm hiểu vấn đề và xem xét số liệu từ cả hai đêm biểu diễn, gồm tổng cộng 10 tiếng từ khi mở cửa cho đến khi khán giả được cho là đã về nhà từ lâu. Cô nhận thấy “Chấn động Swift” kéo dài và mạnh hơn “Chấn động Quái thú”. Buổi biểu diễn của Swift đã tạo nên hoạt động địa chấn tương tự như một trận động đất mạnh 2.3 độ.

Nguyên do có thể là cả hệ thống âm thanh của buổi biểu diễn lẫn những người hâm mộ nhảy nhót cổ vũ gây ra. Cả hai đêm biểu diễn đều tạo ra số liệu tương tự nhau, nhưng một đêm thì muộn hơn đêm kia 26 phút. Một người hâm mộ sau đó đã cho Caplan-Auerbach biết là một trong 2 buổi diễn đã bị chậm khoảng nửa tiếng.

Mặc dù những vụ “Chấn động Swift” chủ yếu là những quan sát cho vui, nhưng Caplan-Auerbach cho biết chúng có khả năng giúp các nhà khoa học tìm hiểu về mặt đất phía dưới sân vận động. Ví dụ như địa chất phản ứng thế nào với sự rung chuyển, các tòa nhà rung lắc ra sao, và năng lượng địa chấn truyền đi thế nào qua vùng địa chất đó.

Đây là những thông tin quan trọng vì các tòa nhà phản ứng thế nào với động đất thường liên quan đến việc tầng đất phía dưới bề mặt rung chuyển ra sao. Và càng có nhiều thông tin thì càng có thể thiết kế những tòa nhà chịu được động đất hơn.

Nguồn: